ADAS là gì? Có đáng tin không?
Author: Thanh Cars
Cập nhật: 11/06/2024
Ngày càng có nhiều mẫu xe ô tô trang bị ADAS. Các hội nhóm về ô tô các thành viên cũng hay có câu hỏi xe này có ADAS không? Vậy ADAS là gì? Nó hoạt động như thế nào? Có đáng tin cậy hay không? Cùng Giaxeotovn tìm hiểu nhé.
ADAS là gì?
ADAS là viết tắt của Advanced Driver Assistance System, tức là Hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến, bao gồm các công nghệ hỗ trợ người lái xe vận hành xe an toàn.
Thông qua giao diện người máy, ADAS tăng cường độ an toàn cho ô tô và đường bộ. ADAS sử dụng công nghệ tự động, chẳng hạn như cảm biến và camera, để phát hiện các chướng ngại vật gần đó hoặc lỗi của người lái xe và phản hồi tương ứng. ADAS cũng có thể cho phép lái xe tự động ở nhiều cấp độ khác nhau.
- Cảnh báo an toàn cho người lái:
Tthông qua các tính năng cảnh báo thông minh như: Cảnh báo va chạm phía trước, cảnh báo lệch làn đường, phát hiện điểm mù, phát hiện tài xế buồn ngủ, kiểm soát đổ đèo, hệ thống nhìn ban đêm, hệ thống hỗ trợ đỗ xe... Theo nghiên cứu của Hiệp hội Bảo hiểm An toàn Đường bộ Hoa Kỳ, hệ thống tránh va chạm có thể giảm 27% tai nạn ô tô từ phía sau; hệ thống cảnh báo lệch làn đường có thể giảm 21% số vụ tai nạn thương vong; hệ thống phát hiện điểm mù có thể giảm 14% tai nạn va chạm trong làn đường.
- Lái xe bán đự động:
ADAS cũng giúp lái xe nhàn hơn qua một số tính năng hỗ trợ người lái như: Hỗ trợ giữ làn đường, ga thích ứng tự động, tự lùi chuồng, tự ra khỏi chuồng tìm chủ nhân....
Một nghiên cứu từ Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA) dự đoán rằng công nghệ hỗ trợ lái xe nâng cao ADAS (Advanced Driver Assistance Systems) nếu được trang bị đại trà trên nhiều mẫu ô tô có thể ngăn chặn 37 triệu vụ tai nạn, cứu mạng khoảng 250.000 người từ nay đến năm 2053.
Nguyên lý hoạt động của ADAS
Thiết bị hỗ trợ lái xe ADAS hoạt động dựa trên các thông tin có được từ camera đa tính năng kết hợp với các cảm biến trước/sau và xung quanh xe. Chúng ghi lại hình ảnh của nhiều đối tượng và ngôn ngữ ký hiệu giao thông như đường phố, phương tiện, biển báo đường bộ, người đi bộ và các đối tượng khác.
Nguyên lý hoạt động của ADAS
Sau đó, các dữ kiện được bộ xử lý trung tâm phân tích và đưa ra quyết định. ADAS có khả năng phát hiện các nguy hiểm tiềm ẩn, từ đó đưa ra cảnh báo cũng như chủ động can thiệp trong những trường hợp người lái bị mất tập trung.
Các tên gọi khác nhau của ADAS
Các hãng xe đều hướng tới trang bị gói hỗ trợ lái tiên tiến ADAS cho các dòng xe của mình. Tuy vậy tên gọi và bộ tính năng có thể khác nhau. Ví sụ:
Toyota: Toyota Safety Sense (TSS)
Honda: Honda Sensing
Lexus: Lexus Safety System (LSS)
Ford: Co-Pilot360
Mercedes-Benz: Driver Pilot
Hyundai: SmartSense
Mitsubishi: e-Assist
Volvo: City Safety
Mazda:i-Activsense
Subaru: Eyesight
Các tính năng của ADAS
Có thể phân hệ thống hỗ trợ lái nâng cao ADAS thành bốn loại tính năng chính: cảnh báo, thích ứng, tự động và giám sát. Các tính năng tiêu biểu như sau:
Cảnh báo va chạm trước (FCW): giúp đo khoảng cách, góc và tốc độ tương đối giữa xe và các vật thể khác trên đường, để cảnh báo người lái xe về các va chạm sắp xảy ra bằng âm thanh.
Hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng (ACC - Adaptive Cruise Control): sử dụng cảm biến radar hoặc laser để phát hiện khoảng cách giữa các xe và tự động điều chỉnh tốc độ để duy trì khoảng cách tối ưu, đảm bảo an toàn.
Các tính năng trong ADAS
Đèn pha thích ứng Adaptive Light Control: là một tính năng quan trọng của ADAS, tự động điều khiển cường độ ánh sáng, hướng chiếu, góc chiếu phù hợp khi phát hiện xe ngược chiều, người đi bộ/xe đạp hay khi vào cua....Hiện nay, công nghệ đèn pha được rất nhiều các hãng xe quan tâm, đi đầu là Audi với đèn Digital Matrix LED, Mercedes với đèn Digital Light...
Phanh khẩn cấp tự động (Auto Emergency Braking - AEB): phanh khẩn cấp tự động (AEB) là hệ thống an toàn có khả năng ngăn chặn một vụ tai nạn từ phía sau hoặc giảm thiểu tốc độ va chạm. AEB sử dụng các cảm biến để phát hiện người lái đang trong quá trình va vào xe khác hoặc các vật thể khác trên đường. Ứng dụng này có thể đo khoảng cách của các phương tiện cũng như vật thể gần đó và cảnh báo người lái xe về mọi nguy hiểm.
Đỗ xe tự động: Một số hệ thống thậm chí có thể hoàn thành việc đỗ xe tự động mà không cần sự trợ giúp của người lái xe bằng cách kết hợp đầu vào của nhiều cảm biến.
Hệ thống giám sát ngưới lái: tự động phân tích đo lường sự chú ý của người lái xe. Các cảm biến của camera có thể phân tích xem mắt của người lái xe đang nhìn trên đường hay đang trôi dạt. Hệ thống giám sát người lái xe có thể cảnh báo người lái xe bằng tiếng ồn, rung ở vô lăng hoặc đèn nhấp nháy. Trong một số trường hợp, ô tô sẽ thực hiện biện pháp cực đoan là dừng hẳn phương tiện.
Giám sát phát hiện buồn ngủ: Tính năng này khá thú vị, nó phát hiện tình trạng buồn ngủ hay mất tập trung của người lái xe và kêu cảnh báo. Có một số cách để xác định xem liệu sự chú ý của người lái xe có giảm hay không.
Giám sát phát hiện buồn ngủ
Trong một trường hợp, các cảm biến có thể phân tích chuyển động của đầu người lái xe và nhịp tim để xác định xem chúng có biểu hiện buồn ngủ hay không. Các hệ thống khác đưa ra cảnh báo người lái xe tương tự như tín hiệu cảnh báo phát hiện làn đường.
Tính năng nhận dạng biển báo giao thông (TSR): cung cấp thông tin giúp người điều khiển dễ dàng nhận diện các biển báo.
Nhưng ADAS chưa hoàn toàn tin cậy
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA), hệ thống hỗ trợ lái xe ADAS ngày càng phổ biến, nhưng nó vẫn không khiến các lái xe yên tâm. Thậm chí nhiều lái xe còn sợ hãi ADAS. Vì sao vậy?
Hiệp hội Ôtô Mỹ đã thử nghiệm nhiều xe của các thương hiệu như Tesla, Hyundai và Subaru với hệ thống hỗ trợ lái xe ADAS 2.0 (còn được gọi là bán tự lái). Cuộc thử nghiệm xem xét chiếc xe sẽ xử lý như thế nào khi một phương tiện khác xuất hiện, có xu hướng dẫn đến va chạm, trong trường hợp cùng chiều và ngược chiều.
Với xe đi ngược chiều, ADAS chưa hoạt động tin cậy
Kết quả lần thử nghiệm đầu tiên rất đáng khích lệ. Các xe trong cả 15 lần chạy thử đều chạy chậm và tránh va chạm với xe chạy chậm khác.
Tuy nhiên, trong trường hợp ngược chiều, không có hệ thống nào có khả năng tránh va chạm trực diện. Chỉ có một chiếc xe thử nghiệm giảm tốc độ đáng kể trước khi va chạm.
ADAS tránh được và chạm với xe đạp khi xe đạp không ngoặt lái
Hệ thống ADAS cũng chỉ hoạt động tốt hơn một chút trong các bài kiểm tra liên quan đến xe đạp. Tất cả đều tránh được người đi xe đạp cùng chiều. Nhưng khi xe đạp ngoặt tay lái, thể hiện tình huống người đi xe đạp cố băng qua đường, thì 5/15 thử nghiệm xảy ra va chạm, tương đương 33%. Và tỉ lệ đó là chưa thể chấp nhận được.
Greg Brannon, giám đốc kỹ thuật ôtô của AAA, nói: "Mặc dù các hệ thống này đã phát hiện thành công ôtô và xe đạp đang di chuyển chậm cùng chiều, việc không phát hiện được xe đạp băng qua đường hoặc ôtô ngược chiều đang chạy tới là đáng báo động. Va chạm trực diện là loại nguy hiểm nhất, và các hệ thống này nên được tối ưu hóa cho các tình huống mà chúng nên giúp ích được nhiều nhất".
Như vậy, mặc dù ADAS được thiết kế để giảm bớt gánh nặng cho tài xế, các cuộc thử nghiệm đã chứng minh người lái xe phải luôn tập trung như bình thường để ngăn ngừa bất kỳ khả năng va chạm nào. Các thử nghiệm trước đó của AAA cũng cho thấy ADAS chật vật trong nhiều trường hợp khác, chẳng hạn giữ xe chạy đúng làn trong thế giới thực.
Không chỉ vậy, cũng trong khảo sát của AAA, 77% người tiêu dùng bày tỏ mong muốn các nhà sản xuất ôtô nên tập trung cải thiện hệ thống an toàn, như phanh khẩn cấp tự động, hơn là phát triển xe tự lái.
Kể từ khi AAA bắt đầu khảo sát về tính năng tự lái, chưa khi nào người tiêu dùng bớt hoài nghi, với 85% nói rằng họ không tin tưởng lắm vào xe tự lái.
"Anh không thể bán tương lai cho người tiêu dùng nếu họ thậm chí còn không tin nổi vào hiện tại", Brannon kết luận.
Xe nào có ADAS?
Hiện nay hầu hết các hãng xe đều trang bị hệ thống ADAS cho các dòng xe của mình. ADAS System ngày càng có xu hướng trở thành hệ thống an toàn mặc định trên xe hơi. Tại Việt Nam, các dòng xe sau đây có ADAS:
Toyota: Raize, Altis, Veloz, Corolla Cross, Camry, Prado, Yaris Cross, Fortuner, Innova,
Kia: Carens, Sorento, Carnival, EV6, Sportage, Telluride
Hyundai: Creta (bản cao cấp), Santafe, Tucson, Palisade, Custin (bản cao cấp). Stargazer X, Ioniq 5
Mazda: Mazda 3, CX-5, CX-8, CX-30
Ford: Ranger, Everest, Explorer, Territory
Vinfast: VF5 Plus, VF6, VF7, VF8, VF9, VFe34
Peugeot: 2008, 3008, 5008
Subaru: Forester, Outback
Và hầu hết các dòng xe sang thuộc các thương hiệu Mercedes-Benz, Lexus, BMW, Land Rover, Porsche, Volvo... đều trang bị ADAS
Kết luận
Như vậy, ADAS là cụm từ viết tắt của Advanced Driver Assistance System, tức là Hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến. Nhiều dòng xe của nhiều hãng xe hiện nay tuy trang bị gói ADAS nhưng danh mục tính năng và độ thông minh có thể khác nhau. Bản thân ADAS cũng có các phiên bản ADAS 1.0. ADAS 2.0, ADAS 3.0 tùy vào sự nâng cấp các tính năng cũ cũng như trang bị thêm các tính năng mới...Tuy rằng ADAS có nhiều tác dụng nhưng người lái không thể hoàn toàn phụ thuộc vào nó. Kinh nghiệm lái xe, sự tập trung, ý thức tuân thủ giao thông và giữ gìn sức khỏe của người lái xe chính là yếu tốt quyết định nhất cho sự an toàn của bản thân và xã hội.
(Theo AAA, Wiki)
ADAS, Advanced Driver Assistance System
TIN MỚI
-
BẢNG GIÁ SIÊU XE LAMBORGHINI 2024 TẠI VIỆT NAM (11/2024)
20/11/2024
-
BẢNG GIÁ XE KIA 2024 MỚI NHẤT (11/2024)
20/11/2024
-
BẢNG GIÁ XE KHÁCH 2024 CẬP NHẬT MỚI NHẤT (11/2024)
20/11/2024
-
BẢNG GIÁ XE BYD 2024, ƯU ĐÃI MỚI NHẤT (11/2024)
19/11/2024
-
BẢNG GIÁ XE Ô TÔ HONDA 2024 MỚI NHẤT (11/2024)
19/11/2024
-
4 nguyên tắc khi sạc pin xe điện cần phải nhớ
18/11/2024
-
Muôn kiểu độ xe Vinfast VF3
18/11/2024
-
BẢNG GIÁ XE TOYOTA 2024 MỚI NHẤT (11/2024)
17/11/2024
Bình luận (0)